uncategorized

THỨ TIẾNG ĐỨC TỆ LẬU ẤY

THỨ TIẾNG ĐỨC TỆ LẬU ẤY

Tác giả: Mark Twain

Dịch: Meomeoemlameo

Đây là phụ lục D trong cuốn A Tramp Abroad năm 1880 của nhà văn Mark Twain. Lưu ý rằng chính tả tiếng Đức này là loại của những năm cuối thế kỉ 19.

~*~

Một chút kiến thức sẽ khiến cả thế giới thành người một nhà.

–Ngạn ngữ xxxii, 7.

Tui thường tới xem bộ sưu tập những của hiếm vật lạ ở Lâu đài Heidelberg, rồi một ngày kia tui đã khiến người giữ bộ sưu tập này phải ngạc nhiên với vốn tiếng Đức của mình. Tui xổ một tràng tiếng đó luôn. Ông ta vô cùng hứng thú; và sau khi nói chuyện chán chê ổng bảo tiếng Đức của tui hiếm lắm, có khi còn là “hàng độc”; và muốn cho nó vào bộ sưu tầm của ổng.

Nếu mà ông ta biết tui phải nằm gai nếm mật cỡ nào để đạt được cái nghệ thuật của tui, ổng sẽ phải hiểu là bất kì kẻ sưu tầm nào cũng phải khánh kiệt mới mua được nó. Harris và tui thời đó đã luyện tập chuyên cần tiếng Đức suốt mấy tuần liền, và mặc dù tụi tui tiến bộ dữ lắm, thì thứ tiến bộ đó cũng phải trải qua bao sự khó khăn bức bối, vì bận đó ba giáo viên của tụi tui cũng lên chầu ông bà ông vải luôn. Ai chưa học tiếng Đức sẽ không tài nào biết được cái ngôn ngữ đó rối rắm đến mức nào.

Chắc chắn chẳng có ngôn ngữ nào lại cẩu thả và vô hệ thống, cũng như trơn tuồn tuột khó nắm bắt như nó. Người ta như chết chìm trong nó, hết ngụp chỗ này lại lặn chỗ kia, theo cách tuyệt vọng nhất; và rồi lúc anh ta nghĩ cuối cùng anh ta đã nắm được cái quy tắc căn bản vững chãi nhất để có thể thoải mái giữa đám cuồng loạn và hỗn độn của mười phân đoạn trong lời văn, anh ta lật sang trang kế và đọc tiếp, “Người học cần chú ý cẩn trọng với những ngoại lệ sau.” Anh ta lướt mắt xuống và phát hiện ra có nhiều ngoại lệ trong cái quy tắc này hơn cả những ví dụ của nó. Thế là anh ta lại hăm hở đi tìm đỉnh núi Ararat tiếp theo để rồi thấy mình sa phải vũng cát lún kế tiếp. Cái chuyện này đã và vẫn sẽ luôn là kinh nghiệm của tui. Mỗi lần tui nghĩ mình gặp được một trong bốn cái “trường hợp” dễ gây hiểu nhầm mà tui đã hiểu mười mươi, thì một giới từ có vẻ chả quan trọng gì bỗng thình lình xuất hiện giữa câu của tui, vận một sức mạnh kinh khủng không ngờ, và làm nền đất dưới chân tui sụt xuống. Ví dụ như này, cuốn sách của tui hỏi thăm một chú chim nọ – (sách luôn đi hỏi thăm những thứ chả liên quan đến ai) “Chim đâu rồi nhỉ?” Giờ thì câu trả lời – theo như cuốn sách – là chim đang đợi trong tiệm rèn vì cơn mưa. Đương nhiên chả chim chóc nào lại như thế, nhưng sách sao thì đành làm vậy. Ok thôi, tui bắt đầu mã hóa câu trả lời sang tiếng Đức. Tui bắt đầu bằng cái chỗ sai lòi, cần phải thế, vì tiếng Đức nó là vậy. Tui tự nhủ, “Regen (mưa) là giống đực – mà biết đâu lại là giống cái – ô có khi nửa nọ nửa kia – giờ mà phân tích thì lằng nhằng lắm. Bởi vậy nên nó có thể là der (cơn) Regen (đực), hoặc die (cơn) Regen (cái), hoặc das (cơn) Regen (chả đực chả cái), tùy theo về sau mình tra ra nó giới tính gì. Vì lợi ích khoa học, tui sẽ phiên dịch theo giả thiết nó là đực vậy. Ok thôi – giờ thì cơn mưa là der Regen, nếu nó chỉ đơn thuần ở thể tĩnh chỉ được nhắc tới, mà không bàn tới thêm cho sâu xa – gọi là dạng Danh cách; nhưng nếu cơn mưa này phây phây, theo cái kiểu nằm trên mặt đất, thì nó đã được định chỗ chắc chắn, nó đang làm gì đấy – ấy là, nghỉ ngơi (trong ngữ pháp Đức thì nghỉ ngơi cũng gọi là làm gì rồi) và thế là nó lại biến thành dạng Tặng cách, phải thành là dem Regen. Tuy nhiên, mưa này không nằm im, mà đang chủ đích làm cái gì đấy, mà làm gì đấy chủ đích thì là dạng Đối cách nên dem Regen phải thành den Regen. “Sau khi hoàn thành biểu đồ ngữ pháp về vấn đề này, em xin tự tin trả lời và nói bằng tiếng Đức là chim đang trốn trong tiệm rèn “wegen (bởi vì) den Regen.” Thế rồi giáo viên dịu dàng chỉnh tui là mỗi khi có từ “wegen” trong câu, thì chủ thể luôn luôn trở thành dạng Sở hữu cách, dù kết quả có ra sao – và vậy là cái con chim này phải ở trong tiệm rèn “wegen des Regens.”

Chú ý – Tui sau đấy được cấp trên dạy là có “ngoại lệ” cho phép người ta nói “wegen den Regen” trong một số trường hợp đặc biệt và phức tạp nhất định, nhưng cái ngoại lệ này không được sử dụng cho bất kể cái gì khác trừ mưa.

Có mười phân đoạn trong lời văn, mà cái nào cũng rối rắm. Một câu bình thường, trong một tờ báo ở Đức, là một tạo vật kì khôi siêu phàm; nó chiếm tới một phần tư một cột báo; nó bao gồm mười phân đoạn trong lời văn – không phải theo kiểu thông thường đâu, mà trộn hết lên; nó được tạo nên hầu hết bởi những từ ghép được anh nhà báo đột nhiên quyết định gom hết vào, và không thể tìm thấy ở bất kì cuốn từ điển nào cả – sáu đến bảy từ quăng hết thành một khối, chả nối chả khâu gì luôn – mà còn, chấp luôn không cần gạch nối; nó nhắc tới tận mười bốn đến mười lăm chủ thể khác nhau, mỗi chủ thể lại được đi kèm với một dấu ngoặc đơn riêng, đâu đó lại bỏ thêm dăm ba chiếc ngoặc đơn nữa để trích kèm thêm ba bốn chiếc ngoặc đơn nhỏ hơn, khiến lời nọ lồng vào lời kia: cuối cùng, tất cả đám ngoặc đơn cha rồi ngoặc đơn con được trộn lại giữa hai anh ngoặc đơn cỡ cụ, một anh được đặt ở dòng đầu của câu văn mỹ lệ kia còn anh kia thì đâu đó ở giữa cái dòng cuối của nó – sau đấy mới đến ĐỘNG TỪ CHÍNH, và bạn sẽ chợt hiểu ra hóa ra từ nãy đến giờ thằng cha ấy nói gì; và sau động từ – chỉ với mục đích trang trí cho sang, đấy là theo như ngu ý của tui – anh tác giả quẳng thêm “haben sind gewesen gehabt haben geworden sein,” hoặc đám từ nào có nghĩa dạng dạng vậy, thế là chứng tích huy hoàng đã hoàn thành. Tui cho rằng phần hô khẩu hiệu chốt câu này là một nét chấm phá bay bướm cho dấu ấn của một thằng đàn ông – không cần thiết, nhưng nó đẹp. Sách tiếng Đức cũng đủ dễ hiểu nếu bạn giơ nó trước một tấm gương hay trồng cây chuối – để nhìn thấy nó theo kiểu lộn ngược – nhưng tui nghĩ là để học mà đọc hiểu được báo Đức thì vẫn là một chuyện không tưởng cho đám nước ngoài.

Nhưng kể cả đến sách tiếng Đức cũng không hoàn toàn thoát khỏi sự tấn công của đám hỗn loạn mang tên Ngoặc đơn – mặc dù chúng thường chỉ nhẹ nhàng ngoặc tầm vài dòng, vậy nên đến khi bạn cuối cùng cũng đọc được đến động từ chính bạn vẫn hiểu mang máng vì bạn vẫn còn nhớ được kha khá những thứ vừa đọc qua. Giờ tui cho bạn xem một câu trích từ một tiểu thuyết Đức nổi tiếng và đặc sắc – mà chỉ có một xíu ngoặc đơn hà. Tui sẽ dịch sát từng từ, rồi bỏ thêm dấu ngoặc đơn với ít gạch nối để các bạn đọc dễ hơn – mặc dù trong bản gốc thì chả có dấu ngoặc lẫn nối niếc gì, người đọc phải tự gắng sức mà loạng choạng tìm tới chiếc động từ vùng sâu vùng xa kia thôi.

“Nhưng khi anh ta, trên phố, vị (trong-chiếc-váy-bằng-satanh-và-lụa-rất-không-gò-bó-theo-mốt-thời-trang-mới-nhất-bấy-giờ) phu nhân của cố vấn chính phủ GẶP,” vân vân và mây mây. [1]

[1] Wenn er aber auf der Strasse der in Sammt und Seide gehüllten jetzt sehr ungenirt nach der neusten Mode gekleideten Regierungsräthin begegnet.

Câu này trích từ cuốn “Bí mật của Mamselle già” của tác giả Marlitt. Và câu nói trên được viết bằng cấu trúc tiếng Đức kinh điển nhất. Bạn đã thấy động từ kia với điểm bắt đầu của người đọc xa xôi cách trở thế nào chưa; thôi thì, trong báo Đức người ta còn cho động từ xa sang hẳn trang sau; mà tui còn nghe là thỉnh thoảng sau khi đọc ngấu nghiến một hai khổ mở đầu đầy hứng khởi cùng đám ngoặc đơn, người ta vội vã đi in báo luôn mà quên cả cho động từ vào. Lẽ dĩ nhiên, tới lúc đó, độc giả thì vừa mệt bở hơi tai mà vẫn chả hiểu gì.

Chúng ta cũng mắc căn bệnh Ngoặc đơn trong văn chương nước nhà; và người ta có thể thấy những trường hợp như thế mỗi ngày trong sách báo; nhưng với chúng ta thì đó là dấu hiệu nhận biết cho một tay viết không chuyên hoặc một cái đầu mụ mị, còn trong văn học Đức thì nó chắc chắn là dấu hiệu của một cây bút chuyên nghiệp và sự hiện thân của một làn sương tinh thông rờ rỡ tượng trưng cho sự rõ ràng giữa đám người này. Chắc chắn là nó không rõ ràng – nó thực sự không thể gọi là rõ ràng gì hết. Kể cả bồi thẩm đoàn cũng đủ minh mẫn để phát hiện ra điều đó. Ý tứ của một tác giả phải rối loạn tới mức nào, nằm ngoài mọi giới hạn và luật nhân quả như thế nào, khi anh ta ban đầu muốn kể chuyện một người đàn ông gặp phu nhân của ngài cố vấn chính phủ ngoài phố, và rồi ngay giữa cái sự kiện vô cùng giản đơn này, ngưng tất cả những người xung quanh lại và bắt họ đứng im trong khi anh ta hí hoáy viết một bản liệt kê dài thòong về cái váy của bà ta. Rõ là ngu xuẩn. Nó giống như một trong những tay nha sĩ giữ được sự hứng thú nghẹt thở và tức thì của bạn bằng cách lấy kìm kẹp răng, rồi cứ đứng đấy lè nhà lè nhè về ba cái chuyện tầm xàm bá láp trước khi giựt một cái đau điếng. Ngoặc đơn trong văn chương và đám nha sĩ đều là những thứ khó nuốt.

Tiếng Đức còn có một kiểu ngoặc đơn khác, đấy là họ dứt đôi động từ ra rồi đem một nửa của nó để ở ngay đầu của một chương sách đầy hứng khởi và phần kia ở cuối của chương. Liệu ai có thể nặn ra thứ gì khó hiểu hơn thế không? Những thứ này gọi là “động từ tách được”. Ngữ pháp tiếng Đức rộp đầy những động từ tách được; và hai nửa động từ tách càng xa nhau thì chủ nhân của tội trạng này càng hài lòng với màn thể hiện của mình. Một từ rất được ưa thích là reiste ab – có nghĩa là rời đi. Đây là một ví dụ tui chôm được từ một cuốn tiểu thuyết và dịch lại ra tiếng Anh:

“Những chiếc hòm đã xong xuôi đâu đấy, anh RỜI- sau khi hôn mẹ và các chị gái, và bóp thêm phát nữa vào cặp mông đít của nàng Gretchen thân yêu, người mà, mặc một bộ váy mỏng màu trắng, cài duy nhất một đóa hoa huệ trên những sóng tóc màu nâu trập trùng của nàng, yếu ớt loạng choạng xuống cầu thang, tái mét cả vì sợ lẫn phấn khích sau đêm qua, nhưng vẫn khát khao được tựa mái đầu khốn khổ đang đau đớn vào khuôn ngực của người đàn ông nàng yêu hơn cả sinh mệnh, ĐI.”

Tuy nhiên, tập trung quá vào những động từ chia cắt thì không hay ho gì. Người ta sẽ nhanh chóng phát bực, và nếu anh ta cứ bấu víu lấy chủ thể, mà lại còn không được cảnh báo trước, thì điều đó sẽ hoặc khiến não anh ta nhũn ra hoặc làm nó chết điếng. Đại từ cá nhân và tính từ là những sự phiền toán ghê gớm trong ngôn ngữ này, và lẽ ra phải đáng bỏ đi. Ví dụ như, chỉ một âm tiết duy nhất, sie, có nghĩa là bạn (you), và nghĩa là cô ta (she), và nghĩa là tân ngữ chỉ cô ta (her), nghĩa là nó (it), nghĩa là họ (they), và nghĩa luôn là tân ngữ chỉ họ (them). Thử nghĩ xem ngôn ngữ này phải nghèo nàn rách rưới đến mức độ nào mà phải để một từ gánh việc của sáu từ – và cái từ nhỏ bé dặt dẹo đấy chỉ gồm có mỗi ba chữ cái. Nhưng trên hết, thử nghĩ đến việc nói chuyện với một người mà không hiểu người đó định nói về cái gì thì bực mình đến mức nào. Đấy là lí do tại sao, mỗi khi có ai nói sie với tui, tui thường muốn giết phắt anh ta luôn, nếu đó là người lạ.

Giờ thì hãy quan sát Tính từ. Đây là một trường hợp mà sự đơn giản đúng ra phải là một lợi thế; vậy nên, không vì lí do gì khác, người sáng tạo ra ngôn ngữ này quyết định phức tạp hóa nó lên hết sức có thể. Khi chúng ta muốn nói tới người “bạn tốt hoặc các bạn” của chúng ta, trong ngôn ngữ trong sáng của chúng ta, chúng ta chỉ dùng duy nhất một thể và chả có vấn đề hay căng thẳng gì về nó; nhưng với tiếng Đức thì mọi chuyện khác hẳn. Khi một người Đức sờ tới một tính từ, anh ta chia nó, và rồi tiếp tục chia nó đến khi óc suy xét cũng bị chia ra khỏi nó luôn. Tệ y như tiếng Latin vậy. Anh ta sẽ nói, giả dụ như vầy:

  • SỐ ÍT

o          Danh cách — Mein guter Freund, bạn tốt của tui.

o          Sở hữu cách — Meines guten Freundes, về bạn tốt của tui.

o          Tặng cách — Meinem guten Freund, tới bạn tốt của tui.

o          Đối cách — Meinen guten Freund, bạn tốt của tui.

  • SỐ NHIỀU

o          Danh cách — Meine guten Freunde, những bạn tốt của tui.

o          Sở hữu cách — Meiner guten Freunde, về những người bạn tốt của tui.

o          Tặng cách — Meinen guten Freunden, tới những người bạn tốt của tui.

o          Đối cách — Meine guten Freunde, những bạn tốt của tui.

Giờ hãy để vị ứng cử viên cho nhà thương điên nhớ hết những thể trên, xem thử đến bao giờ thì anh ta được đưa vào viện. Một người thà không bạn bè gì ở Đức còn hơn phải trải qua cả tá vấn đề như vầy vì đám bạn. Tui đã chỉ cho bạn xem việc chia động từ để mô tả một người bạn (nam giới) tốt mệt mỏi dư nào; xời như này mới chỉ được một phần ba vấn đề thôi, vì còn có một lô các cách vặn vẹo tính từ phải học khi người được nói đến là nữ giới, và còn phải tính cả đến khi tân ngữ là trung tính. Số lượng tính từ trong ngôn nữ này còn nhiều hơn số mèo đen ở Thụy Sĩ, và tất cả chúng đều phải được chia một cách công phu như ví dụ nói trên. Khó khăn? – Rắc rối? – những từ này không đủ để mô tả tình hình nữa rồi. Tui có nghe một sinh viên người California ở Heidelberg bảo, trong một trong những lúc thằng chả bình tâm nhất, là thằng chả thà chia xa hai cốc rượu còn hơn chia một tính từ tiếng Đức.

Người phát minh ra cái thứ tiếng này có vẻ rất khoái việc phức tạp hóa nó theo mọi cách mà hắn ta có thể nghĩ ra. Ví dụ thế này, nếu một người nói chuyện bâng quơ về một ngôi nhà, Haus, hoặc một con ngựa, Pferd, hoặc một con chó, Hund, anh ta sẽ đánh vần chúng như tui mới đề cập; nhưng nếu anh ta nhắc đến chúng trong dạng Tặng cách, anh ta sẽ nhét một chữ e ngu đần và không cần thiết vào và đánh vần chúng thành Hause, Pferde, Hunde. Thế là, vì thêm e vào thường chỉ việc đó là từ số nhiều, như thể thêm s thành số nhiều ở tiếng Anh vậy, mội người mới học rất dễ nhân đôi một chú chó trong thể Tặng cách suốt một tháng trước khi cậu ta nhận ra mình mắc lỗi; mặt khác, rất nhiều sinh viên mới tới nghèo tới không thể mất gì đã mua và trả tiền cho hai con chó nhưng chỉ nhận được một con, bởi cậu ta đần độn mua con chó đó trong thể Tặng cách số ít trong khi đúng ra cậu ta phải dùng số nhiều – khiến cho pháp luật đứng về phía người bán, đương nhiên, nhờ vào luật ngữ pháp chặt chẽ, thì việc khiếu nại đòi bồi thường là không được.

Ở Đức, tất cả Danh từ đều bắt đầu bằng chữ cái in hoa. Đây là một ý tưởng hay; và một ý tưởng hay, trong ngôn ngữ này, thì nhất thiết phải dễ nhận thấy nhờ sự đơn độc của nó. Tui coi việc viết hoa danh từ này là một ý hay, bởi vì nhờ nó mà bạn hầu như luôn có thể phát hiện ra danh từ ngay lúc bạn nhìn thấy nó. Bạn sẽ thỉnh thoảng mắc lỗi sai, vì bạn nhầm tên của một người với tên của một vật, và tốn khôi khối thời gian cố gắng đào bới ý nghĩa của nó. Tên riêng trong tiếng Đức hầu như lúc nào cũng mang nghĩa gì đó, và nó giúp lừa đám người học. Hôm nọ tui dịch một đoạn văn, nó viết như vầy “Con hổ cái tức giận đã xổng chuồng rồi lập tức nuốt chửng cánh rừng thông xấu số” (Tannenwald). Khi tui xắn tay áo lên để nghi ngờ câu này, tui phát hiện ra Tannenwald trong trường hợp này là tên một thằng cha.

Mọi danh từ đều có giới tính, và chả có cái hệ thống của nợ gì để phân chia cả; nên giới tính của mỗi từ đều phải học thuộc lòng riêng rẽ. Chả có cách nào khác. Để làm được điều này thì người ta phải có trí nhớ như một cuốn sổ ghi chép. Trong tiếng Đức, một cô gái trẻ không có giới tính, nhưng củ cải thì có. Thử nghĩ xem cây củ cải được tôn kính quá mức như thế nào, trong khi thiếu nữ thì bị thiếu tôn trọng đến vô cùng tận. Xem thử ở sách in thì như nào nhé – Tui dịch lại đoạn này từ một cuộc hội thoại ở một trong những quốn sách giáo khoa tiếng Đức hay nhất ở trường Chúa Nhật:

“Gretchen.

Wilhelm, củ cải đâu rồi?

Wilhelm.

Nàng ở trong nhà bếp đó.

Gretchen.

Thế cô thiếu nữ xinh đẹp và thành công người Anh đâu?

Wilhelm.

Nó đi nhà hát opera rồi.”

Lại nói tiếp về giới tính trong tiếng Đức: cái cây là đực, chồi của nó là cái, lá của nó thì trung tính; lũ ngựa không có giới tính, chó thì là đực, trong khi mèo là cái – dĩ nhiên mèo đực cũng tính là cái luôn; mồm, cổ, mông, khuỷu tay, ngón tay, móng tay, bàn chân và thân mình một người tính là giống đực, đầu của người đó thì là là giống đực hoặc trung tính tùy theo từ được chọn để mô tả nó, chứ không phụ thuộc vào giới tính của chủ cái đầu – bởi vì ở Đức thì tất cả đám phụ nữ hoặc mang đầu nam hoặc đầu không có giới tính; mũi, môi, vai, ngực, tay, và ngón chân của họ thuộc giống cái; và tóc, tai, mắt, cằm, cẳng chân, đầu gối, trái tim và tâm trí thì chẳng theo giới nào. Người phát minh ra thứ tiếng này có lẽ chỉ biết về tâm trí qua lời đồn đại.

Giờ, nhờ vào sự phân chia ở trên, người đọc sẽ thấy rằng ở Đức một gã đàn ông có thể nghĩ rằng anh ta là đàn ông, nhưng nếu anh ta quan sát vấn đề thật kĩ lưỡng, anh ta chắc chắn sẽ thấy nghi ngờ ngay; anh ta sẽ nhận ra một sự thật thẳng thừng rằng anh ta là một hỗn hợp nhảm nhí nhất trên đời; và nếu anh ta quyết định an ủi bản thân rằng anh ta ít nhất cũng có thể lấy một phần ba nam tính vạm vỡ trong đống hỗn độn này làm tin, thì ý nghĩ cực kì nhục nhã tiếp theo sẽ nhanh chóng nhắc anh ta nhớ là nếu thế thì anh ta có hơn quái gì bất cứ đứa con gái hay con bò nào trên cả nước đâu.

Trong tiếng Đức, đúng là bởi người tạo ra ngôn ngữ hơi bị lơ ngơ, nên Phụ nữ là giống cái, nhưng Vợ (Weib) thì không – buồn không chứ lại. Một người Vợ, chả có giới tính gì; cô ta trung tính, nên, theo như chuẩn ngữ pháp, một con cá là giống đực, vảy của nó là giống cái, nhưng chị hàng cá (fishwife) thì chả giai chả gái. Phải mô tả một người vợ là không có giới tính có thể gọi là mô tả thiếu; thế cũng chán rồi, nhưng mô tả thừa thì chắc chắn còn chán hơn. Một người Đức sẽ gọi một người Anh là Engländer; nếu muốn đổi giới tính, anh ta thêm inn vào, và thế là thành cô gái người Anh – Engländerinn. Thế này đã là đủ hiểu rồi, nhưng vẫn chưa đủ chuẩn xác với một người Đức; nên anh ta chèn vào đằng trước nó một mạo từ ám chỉ sinh vật sau đây là giống cái, và viết lại thành thế này: “die Engländerinn,” – nghĩa là “cô phụ nữ người Anh.” Tui cho rằng người đó đã bị miêu tả thừa.

Ây, sau khi học sinh đã học được giới tính của kha khá các danh từ, anh ta vẫn gặp phải khó khăn, vì anh ta cảm thấy không thể nào thuyết phục miệng lưỡi mình gọi đồ vật là “anh” và “cô”, “chàng” hay “nàng”, những thứ mà anh ta đã quen gọi là “nó”. Khi anh ta dựng một câu tiếng Đức trong đầu, với cô ta anh ta ở đúng chỗ, rồi vận hết gan mình để nói ra thành lời, cũng chả ích gì – khoảnh khắc anh ta bắt đầu cất lời, lưỡi anh ta quýnh cả lên và tất cả những thứ mang nhãn đực cái đều thành “nó” hết. Kể cả khi anh ta tự mình đọc tiếng Đức, anh ta vẫn luôn gọi những thứ đó là “nó”, trong khi đáng ra anh ta phải đọc như vầy:

TRUYỆN CHỊ HÀNG CÁ VÀ SỐ PHẬN BI THẢM CỦA NÓ [2]

[2] Tui viết hoa danh từ, theo kiểu Tiếng Đức (và tiếng Anh cổ).

Thật là một Ngày ảm đạm. Nghe tiếng Mưa xem, cái cách anh ấy đổ ào ào, và cơn Mưa đá, cái cách anh này kêu rỉ rách; và hãy nhìn Tuyết kia, cách anh ta rơi lất phất, cùng với đám Bùn, gã ấy mới sâu làm sao! A Chị hàng cá khốn khổ, nó sa phải Vũng lầy; nó làm rơi mất Rổ Cá; và hai Bàn tay nó bị Vảy cắt khi nó tóm lấy những Sinh vật đang rơi; và một mảnh Vảy thậm chí còn bay vào Mắt nó, và nó thì không sao bỏ cô ta ra được. Nó mở Miệng để tìm sự Trợ giúp; nhưng nếu bất cứ Tiếng động nào thoát ra khỏi anh ta, thì than ôi hắn cũng bị nhấn chìm bởi cơn Bão. Và giờ một con Mèo đực đã tóm được một trong những con Cá và cô ả chắc chắn sẽ trốn phắt đi với gã. Không, cô ả rứt lấy miếng Vây, ả giữ cô trong Miệng – liệu ả có nuốt cô không? Không, Chú chó mẹ dũng cảm của Chị hàng cá bỏ lại đàn Cún con và cứu lấy cái Vây – rồi anh chàng tự ăn luôn coi như thưởng cho mình. Ôi, kinh hoàng làm sao, Sét đã đánh phải Rổ cá; gã ta dùng Lửa liếm hắn; hãy nhìn Ngọn Lửa xem; cái cách nàng liếm lấy đám Dụng cụ điêu tàn với chiếc Lưỡi đỏ rực và phẫn nộ của nàng; giờ nàng tấn công Bàn chân của Chị hàng cá tuyệt vọng tội nghiệp – Nàng đốt anh ta lên, đốt hết chỉ trừ Ngón chân cái, và cả cô ta cũng bị liếm mất một phần; và nàng cứ lan rộng, nàng cứ vẫy chiếc Lưỡi rực lửa của mình; nàng tấn công Cẳng chân của Chị hàng cá và phá hủy nó; nàng tấn công Bàn tay nó và cũng phá hủy cô ta luôn; nàng tấn công Thân mình nó và đốt rụi cả gã; nàng quấn mình quanh Trái tim nó và nó bị thiêu hủy; tiếp tới là Bộ ngực của nó, và trong một Khoảnh khắc cô ả đã ra Tro; giờ nàng trờ tới Cổ nó – hắn tàn; giờ tới Cằm nó – nó tan; giờ tới Mũi nó – cô ta cũng đứt. Trong một Khắc nữa, trừ phi có sự Giúp đỡ, Chị bán cá sẽ sớm không còn gì. Thời gian thành gấp gáp – chẳng lẽ không còn gì để cứu trợ và giúp đỡ? Có rồi! Niềm vui, niềm vui, Bàn chân như bay của cô Phụ nữ Anh đã tới! Nhưng than ôi, cô Phụ nữ tốt bụng đã tới quá muộn: Chị hàng cá xấu số đâu rồi? Nó đã ngừng Tiếng kêu than, nó đã biến mất tới Miền cực lạc; tất cả những gì nó để lại cho Người thân của nó than khóc, là đám Tro tàn cháy âm ỉ này. A, hỡi Tro tàn đau khổ, rầu rĩ! Ta hãy kính cẩn xúc chàng lên, dịu dàng, thành kính, trên chiếc Xẻng thấp kém này, để chàng tới Nơi yên nghỉ ngàn thu, với Lời cầu nguyện khi chàng vực dậy lần nữa nơi kia sẽ có một Vương Quốc nơi chàng có lấy một Giới tính tốt đẹp hợp lí, và chỉ của riêng chàng thôi, chứ không phải một tá Giới tính nhảm nhí ngu đần phân loạn lên xung quanh chàng.

Đấy, giờ đây, người đọc có thể tự mình thấy cái vấn đề đại từ này nó sống sượng thế nào với những kẻ chưa quen mồm. Tui đồ rằng trong tất cả các loại ngôn ngữ, sự tương đồng về hình thức và phát âm của các từ mà chả liên quan quái gì về nghĩa là nguồn cơn rất lớn gây bối rối cho người nước ngoài. Tiếng nước mình đã thế, thì tiếng Đức còn đặc biệt như vậy. Có cái từ vermählt rất là mất nết này: với tui thì nó cực giống – giống thật hoặc do tui tưởng bở – với ba bốn từ nữa, đến mức tui chả bao giờ biết nghĩa của nó là khinh thường, vẽ tranh, nghi ngờ hay kết hôn nữa; cho tới khi tui tra từ điển, và rồi phát hiện ra nghĩa sau mới đúng. Mấy từ như vậy nhiều lắm và y như tra tấn nhau. Để tăng độ khó thì còn có những từ có vẻ liên quan đến nhau, nhưng mà không hề; nhưng chúng gây ra cả đống rắc rối như thể có họ hàng vậy. Ví dụ, có một từ là vermiethen (cho thuê, cho mướn); và một từ là verheirathen (một cách khác để nói từ kết hôn). Tui nghe nói có ông người Anh nọ gõ cửa nhà một ông ở Heidelberg và đề nghị, bằng thứ tiếng Đức ngon nghẻ nhất ổng nói được, được “verheirathen” cái căn nhà đó. Rồi lại có mấy từ mà nhấn âm đầu thì nghĩa này, nhưng nhấn vào âm sau lại thành nghĩa khác. Ví dụ như có một từ có nghĩa là người bỏ trốn hoặc việc đọc lướt qua một cuốn sách, tùy theo trọng âm ở đâu; và có một từ khác chỉ việc kết giao với một người, hoặc tránh mặt người đó, tùy theo bạn nhấn vào âm nào – và bạn có thể khá chắc kèo là nhấn sai thì ăn cám là đương nhiên.

Có một số từ hữu dụng kinh khủng khiếp trong ngôn ngữ này. Từ Schlag, là một ví dụ; và cả từ Zug nữa. Có tới ¾ một khổ trong từ điển là dành cho các nghĩa của Schlag, và một khổ rưỡi cho Zug. Schlag có nghĩa là đánh nhau, đánh ngất, ẩu đả, kinh ngạc, vỗ tay, tát, thời gian, thỏi, đồng xu, tem, loại, kiểu, cách, phương thức, úng máu, cắt gỗ, kết thúc, cánh đồng, dọn rừng. Đây là nghĩa đơn giản và chính xác –  nghĩa là nó vẫn bị kìm hãm, bị cùm chân trong ngữ nghĩa; nhưng có cách để bạn thả nó ra, để nó có thể tung bay, như thể cưỡi trên đôi cánh của hừng đông, và không bao giờ dừng lại. Bạn có thề đính thêm từ tùy thích vào đuôi nó, và khiến nó có bất kì nghĩa nào mà bạn muốn. Bạn có thể bắt đầu với Schlag-ader, có nghĩa là động mạch, và bạn có thể đính cả cuốn từ điển, từng từ một, xuyên suốt đến tận Schlag-wasser, nghĩa là nước đáy tàu – và thêm cả Schlag-mutter, có nghĩa là mẹ bên vợ/chồng.

Từ Zug cũng như vậy. Nói nghiêm chỉnh, Zug có nghĩa là kéo, ấn, giật, tiến độ, hành quân, tiến trình, chuyến bay, phương hướng, chuyến thám hiểm, xe lửa, đoàn lữ hành, lối đi, vết, chạm, đường, nở, đặc điểm, tính chất, nét mặt, nước cờ, nút đàn óoc-gan, đội, phả ra, nghiêng về, ngăn kéo, xu hướng, hít vào, dàn xếp: nhưng cái gì mà không phải nghĩa của nó – khi tất cả những từ râu ria có nó được liệt kê hết, thì tới giờ vẫn chưa khám phá ra được.

Người ta không thể đánh giá quá cao về sự hữu dụng của Schlag và Zug được. Chỉ cần được trang bị hai từ này, và cả từ also nữa, thì một người nước ngoài trên đất Đức có gì mà không làm được cơ chứ? Từ also trong tiếng Đức tương đương với từ “Anh biết đấy” trong tiếng Anh, và chả có nghĩa chó gì cả – trong văn nói, dù đôi khi nó có nghĩa trong văn viết. Mỗi lần một người Đức mở mồm là từ also phun ra; và mỗi lần ngậm miệng anh ta phải kìm lại thêm một hai chú also nữa cố gắng nhảy ra ngoài.

Nào, anh ngoại quốc, tay cắp theo ba chú từ tôn quý kia, liền trở thành bậc thầy của tình huống. Hãy để anh ta can đảm xen thêm tiếng nói; để anh ta phun châu nhả ngọc thứ tiếng Đức thờ ơ của anh ta, và khi anh ta tắc ý, cứ để anh ta phun ra một từ Schlag để lấp chỗ trống; khá là chắc kèo nó sẽ vừa in khin khít, nhưng nếu không thấy vừa thì anh ta phải nhanh miệng nhổ thêm một từ Zug kế tiếp; có hai từ đấy thì chả mấy khi mà không lấp được lỗ hổng; ấy nhưng mà, nếu phải sự diệu kì nào, mà không lấp được, thì anh ta nói nốt một chữ also! Và thế là anh ta sẽ có một giây để nghĩ tới từ nào mình cần nói tiếp. Ở Đức, khi bạn lên nòng khẩu súng hội thoại thì ngon nhất là lúc nào cũng phải thả đôi ba anh Schlag rồi dăm ba chú Zug, bời vì chả cần biết đám lời còn lại phân tán rải rác thế nào, bạn cũng có thể lảm nhảm gì đó với mấy từ này. Rồi bạn thản nhiên nói also, rồi lại lên đạn phát nữa. Chẳng có gì mang lại vẻ trang nhã lịch thiệp và phóng khoáng cho một đoạn hội thoại tiếng Đức hay tiếng Anh như việc rắc đầy chúng với những “Also” hoặc “Mày biết đấy” cả.

Trong cuốn sổ của mình tui tìm thấy đoạn này:

“Ngày mùng 1 tháng 7 – Hôm qua trong bệnh viện, người ta đã thành công lôi một từ dài mười ba âm tiết ra khỏi một bệnh nhân – một người Đức ở gần Hamburg; nhưng điều không may là bác sĩ phẫu thuật đã mổ phanh anh ta nhầm chỗ, vì tưởng anh ta nuốt phải một bức họa phong cảnh, nên anh chàng đã chết. Sự việc đau buồn này làm cả xã hội thấy thương xót theo.”

Đoạn văn trên đã cung cấp nguyên văn một số đặc điểm của vấn đề kì khôi và đặc sắc nhất trong bài viết của tui – độ dài của từ tiếng Đức. Một số từ tiếng Đức dài đến nỗi tự chúng có viễn cảnh cho riêng mình. Thử chiêm ngưỡng những ví dụ sau nhé:

  • Freundschaftsbezeigungen.
  • Dilettantenaufdringlichkeiten.
  • Stadtverordnetenversammlungen.

Bọn này không phải là từ nữa, chúng phải là những đám diễu hành của bảng chữ cái. Và chúng không hề hiếm gặp; người ta có thể mở một tờ báo tiếng Đức bất kì lúc nào và thấy chúng diễm lệ vắt ngang qua tờ báo – và nếu người đọc báo mà có khiếu tưởng tượng thì anh ta có khi sẽ còn thấy được cả cờ tung phấp phới lẫn nhạc hiệu đi kèm. Chúng đem cho những vấn đề tầm thường nhất một vẻ hùng dũng giựt gân. Tui cực kì có hứng thú với những của hiếm lạ này. Mỗi lần tui bắt gặp từ nào hay, tui bèn túm chúng rồi nhét vào viện bảo tàng của riêng tui. Bằng cách này tui thu thập được một bộ sưu tập khá giá trị. Khi nào tìm được mấy từ giống nhau, tui đem đi trao đổi với những nhà sưu tầm khác, và thế là tui làm phong phú vốn hàng của mình hơn rất nhiều. Sau đây là một số mẫu vật hiếm mà gần đây tui mới tậu được từ một tay săn của lạ bị phá sản, ở một cuộc bán đấu giá:

  • Generalstaatsverordnetenversammlungen.
  • Alterthumswissenschaften.
  • Kinderbewahrungsanstalten.
  • Unabhängigkeitserklärungen.
  • Wiedererstellungbestrebungen.
  • Waffenstillstandsunterhandlungen.

Đương nhiên là khi một trong những rặng núi vĩ đại này vắt ngang qua tờ giấy, nó tô điểm và tôn vinh thắng cảnh văn chương này lên – nhưng cũng đồng thời làm người học tiếng phát rồ lên, vì chắn hết cả lối đi; anh ta không thể bò qua dưới chân nó, hay trèo qua nó, hoặc đào hầm qua nó. Nên anh ta đành đem từ điển ra để trợ giúp, nhưng chả giúp được gì luôn. Quyển từ điển phải có giới hạn nào đó – nên đám từ này đã bị bỏ ngoài lề. Mà cũng phải thôi, cái thứ dài thòong kia khó có thể là một từ thực sự, mà là sự kết hợp của nhiều từ, và kẻ nào sáng tạo ra nó đáng bị đem đi tử hình. Chúng là những từ nối mà thiếu gạch nối. Tất cả đống từ tạo ra chúng đều có trong từ điển, nhưng vung vãi khắp nơi; bạn có thể đi truy lùng từng từ một, và cuối cùng cũng tìm ra được nghĩa của từ to, nhưng đấy là một công việc chán ốm và phát tức. Tui đã thử trò này với một trong những ví dụ kể trên. “Freundschaftsbezeigungen” có vẻ là “Bàytỏbạnbè”, một cách đần độn và vụng về để nói “Bày tỏ tình bạn”. “Unabhängigkeitserklärungen” có vẻ là “Tuyênbốđộclập”, chả hề cao sang hơn “Tuyên bố độc lập”, theo như tui thấy. “Generalstaatsverordnetenversammlungen” tui tìm kĩ lắm rồi thì có vẻ là “nhữngcuộcgặpmặtcủađạidiệncácbangchính” – một cách văn vẻ dập dìu và vồn vã hơn của “cuộc họp của cơ quan lập pháp”, tui cho là vậy. Hồi xưa trong văn chương nước mình chúng ta có vẻ phạm kha khá những tội trạng như vầy, nhưng giờ thì bỏ hết rồi. Chúng ta thường nói một chuyện là một tình huống “mãi-mãi-chẳng-thể-nào-quên” hơn là tóm gọn nó vào thành một từ “đáng nhớ” đơn giản và hiệu quả hơn và rồi từ tốn tiếp tục làm việc của mình như thể chả có chuyện gì xảy ra. Thời đấy chúng ta chả buồn tưởng nhớ thứ đó và chôn cất nó tử tế, mà chúng ta muốn xây cho nó cả cái đài tưởng niệm cơ.

Nhưng trong báo chí của chúng ta căn bệnh trộn từ vẫn còn rơi rớt đến ngày nay, nhưng không có thêm gạch nối, như trong tiếng Đức. Nó dạng dạng như vầy: thay vì nói “Ông Simmons, thư kí tòa án hạt và quận, vừa ở thị trấn này hôm qua”, thì kiểu nói mới sẽ là: “Ông thư kí tòa án hạt và quận Simmons vừa ở thị trấn này hôm qua”. Vừa chả kiệm giấy mực, nghe lại còn sượng sùng nữa. Người ta thường thấy những câu như thế này trong giấy tờ của chúng ta: “Bà vợ Công tố viên quận Johnson trở về nơi ở trong thành phố của bả hôm qua để nghỉ lễ.” Đây là một trường hợp hợp từ vô cùng vô lý; bởi vì không chỉ chẳng tiết kiệm được chút thời gian và công sức nào, mà còn gắn một danh tước không phải của bả cho bà Johnson. Nhưng những ví dụ này chỉ là nhỏ nhặt, đối lập hẳn với hệ thống chồng một đống từ bòng bong nhàm chán và ảm đạm của tiếng Đức. Tui muốn đưa ra một món quà địa phương, từ tạp chí Mannheim, để minh họa:

“Trong đêm của ngàytrướcngàyhômqualúcquamườimộtgiờmộttí, quán trọdựngtrongtrấnnày tên “Người đánh xe” đã bị cháyrụi. Khi lửa lan tới tổ cò nằmtrêncănnhàđangcháy, cò bố cò mẹ bèn bay đi. Nhưng khi chiếc tổ bêncạnhđámcháyrừngrực bịlửabaovây bắt cháy, lậptức kéo Cò mẹ nhanhchóng quay trở lại đám lửa và chết, Cánh còn dang ra che cho đàn con.”

Kể cả cấu trúc tiếng Đức nặng nề cũng không thể loại bỏ tính bi ai ra khỏi bức tranh kia – mà thực ra hình như còn làm nó thêm cảm động. Đoạn văn này phải từ hàng tháng lâu lẩu hồi xưa. Đúng ra tui đã xài nó sớm hơn, nhưng tui vẫn đợi tin của Cò bố. Tui vẫn đợi.

“Also!” Nếu tui mà chưa bảo là tiếng Đức khó vãi chè, thì ít nhất tui cũng định bảo vậy. Tui từng nghe một anh sinh viên Mỹ lúc được hỏi là độ này tiến triển tiếng Đức dư nào, thì nhanh mồm đáp ngay: “Chả tiến triển chó gì cả. Tao đã học hộc bơ suốt ba tháng ròng, và tất cả những gì tao có thể khoe khoang là cụm chuẩn vcl – ‘Zwei Glas’” (hai cốc bia). Anh chàng ngừng một lúc, ra chiều chiêm nghiệm; rồi xúc động nói thêm: “Nhưng tao nói chuẩn vcl!”

Và nếu tui còn chưa bảo là học tiếng Đức vừa phiền nhiễu vừa khiến người ta muốn lộn cái bàn, thì là do tui diễn đạt ngu, chứ không phải là ý tứ của tui đâu. Dạo này tui có nghe một anh sinh viên Mẽo đã cố gắng miệt mài và mệt nhoài hồi xưa thường dựa dẫm vào một từ tiếng Đức nọ để an ủi khi ổng chịu không thấu sự bực tức của mình – một từ duy nhất có âm điệu ngọt ngào và thương mến với tai ổng và giúp chữa lành tâm hồn tan nát của ổng. Đó là từ Damit. Đấy là cách phát âm của nó làm ổng bình tâm, chứ không phải ý nghĩa của nó; [3] và rồi, cuối cùng, lúc ổng biết được trọng âm không nằm ở âm tiết đầu, niềm an ủi dựa dẫm của ổng đã mất, ổng thấy bay mẹ màu và cuối cùng ổng chết.

[3] Nó chỉ có nghĩa, theo lẽ thường, là “kèm theo đây”.

Tui nghĩ từ mô tả bất kì sự kiện ồn ào, kích thích, hỗn loạn nào trong tiếng Đức cũng yên bình hơn nhiều so với tiếng Anh. Từ mô tả của chúng ta về đặc tính này có âm điệu trầm, mạnh mẽ và vang rền, trong khi từ tiếng Đức tương ứng thì lại có vẻ quá mỏng nhẹ và thiếu sức sống. Bùm, bộp, chát, grào, bão, rống, thổi, sấm, nổ; hú, hét, kêu, gào, gầm; chiến trận, địa ngục. Những từ này mới hùng vĩ làm sao; âm điệu của nó vừa có sức mạnh lại có cả cường độ phù hợp với những thứ mà nó miêu tả. Nhưng những từ tương đương trong tiếng Đức thì du dương như hát ru cho con nít đi ngủ, bằng không lỗ tai kinh hoàng của tui chắc là được tạo ra chỉ để phô ra chứ không đặc biệt hữu dụng trong việc phân tích những thanh âm. Có người nào muốn chết ở một trận chiến nghe bình yên như Schlacht không? Mà có phải phí cả công lo lắng không, khi một người mặc áo cổ cồn đeo vòng bít bước vào một cơn bão mà người ta dùng cái từ Gewitter thơ mộng như giọng hót của loài chim để mô tả? Và hãy chiêm ngưỡng từ mạnh nhất trong số những từ tiếng Đức có nghĩa là vụ nổ – Ausbruch. Từ Bàn chải đánh răng (Toothbrush) trong tiếng mình còn mạnh hơn nó. Mà tui thấy có vẻ tiếng Đức còn có thể chuyển ngữ những thứ khác tồi tệ hơn cách họ làm với những vụ nổ kinh hoàng. Từ tiếng Đức có nghĩa là địa ngục – Hölle – nghe có vẻ giống “địa ngục ahihi” hơn tất cả những thứ khác; vậy nên, nó có thể vui vẻ, bông lông và kém gợi cảm đến thế nào. Nếu một người bị bảo đi xuống đó đi bằng tiếng Đức, liệu anh ta có thể vận công để thấy bị xúc phạm nhân phẩm không?

Sau khi đã chỉ ra chi tiết vài thói tật của ngôn ngữ này rồi, thì giờ tui sẽ đi tới công việc ngắn gọn và nhẹ nhàng hơn là chỉ ra những đức hạnh của nó. Việc viết hoa danh từ thì tui đã nói tới rồi. Nhưng hơn cả ưu điểm này thì còn có một cái khác – đó là việc đánh vần một từ dựa theo âm điệu của nó. Sau một bài học ngắn về bảng chữ cái, người học có thể biết được tất cả những từ tiếng Đức đọc ra sao mà không cần phải hỏi; chứ còn trong ngôn ngữ của chúng ta nếu một học sinh hỏi chúng ta, “Từ B, O, W đọc như thế nào?” chúng ta sẽ đành phải bảo, “Nếu để riêng rẽ thì không biết phải đọc thế nào; ta chỉ có thể biết cách đọc nếu có ngữ cảnh và biết được nó có nghĩa gì – tùy xem nó là thứ để bắn tên ra, là cái gật đầu, hay là mũi của con thuyền.”

Có những từ tiếng Đức hiệu quả đơn lẻ và cực kì. Ví dụ như, những từ mô tả đời sống gia đình bình dị, yên bình mà đầy ấm áp; những từ nói về tình yêu, theo mọi hình thức, từ những cảm xúc tốt lành và thành tâm chúc phúc với người qua đường, cho tới những lời tán tỉnh yêu đương; những từ liên quan đến tự nhiên ngoài kia, cái phương diện dịu nhẹ và đáng yêu nhất của nó – với những đồng cỏ và cánh rừng, và chim và ong, hương thơm ngát và ánh dương của mùa hè, và ánh trăng của những đêm đông bình lặng; nói tóm lại, những từ nói đến tất cả những thể yên bình, ung dung, thư thái; những từ nói đến những sinh vật và điều kì diệu của vùng tiên lữ; và cuối cùng cũng như chính yếu, trong những từ thể hiện sự bi ai, thì ngôn ngữ này đặc biệt giàu có và đầy tình cảm. Có những bài hát tiếng Đức khiến người không biết thứ tiếng này bật khóc. Điều ấy chứng tỏ thanh âm của ngôn từ đã đúng đắn – nó chuyển nghĩa bằng sự thật và tính chuẩn xác; vậy nên tai người ta đã hiểu, và qua đôi tai, trái tim ta rung động.

Người Đức thường không ngại nhắc đi nhắc lại một từ nếu đó là từ chính xác. Họ nhắc lại nó dăm ba lần, nếu họ chọn vậy. Điều ấy thật thông thái. Nhưng trong tiếng Anh, khi ta dùng một từ đôi lần trong đoạn văn, ta sẽ cảm thấy như mình đang lặp lại chúng không cần thiết, và thế là ta yếu đuối đến mức phải chuyển nó thành một từ chỉ chính xác vầy vậy, để thoát khỏi thứ chúng ta sai lầm mơ tưởng là một nỗi nhục nhã hơn thế. Lặp từ có thể không tốt, nhưng chắc chắn sự thiếu chuẩn xác còn tồi tệ hơn.

­­­­­­­­­­­­

Có những kẻ trên đời tốn khôi khối công để chỉ ra lầm lỗi trong một tôn giáo hay một ngôn ngữ, và rồi rất tự nhiên bỏ đi làm việc khác mà không đưa ra phương cách chữa trị. Tui không phải kiểu người như thế. Tui đã chỉ ra những điều tiếng Đức cần chấn chỉnh. Được rồi, giờ tui đã sẵn sàng để chấn chỉnh nó. Ít nhất tui sẵn sàng đưa ra những lời khuyên ra trò. Tưng đây thời gian có thể khiến người khác thấy tui thiếu sự khiêm tốn, nhưng tui đã cống hiến tới chín tuần liền, từ đầu chí cuối, để cẩn trọng và thông suốt nghiên cứu về ngôn ngữ này, và để rồi có được sự tự tin trong khả năng của mình để chỉnh sửa nó mà không một sự tu dưỡng hời hợt nào có thể ban cho tui.

Đầu tiên, tui sẽ bỏ tuốt cái dạng Tặng cách đi. Nó dễ lẫn lộn với số nhiều; và, ngoài ra, không ai biết được khi nào anh ta đang ở dạng Tặng cách, trừ phi anh ta tình cờ phát hiện ra – và rồi anh ta không biết khi nào hay lúc nào anh ta ở dạng đó, hay anh ta đã ở dạng đó bao lâu, hoặc bao giờ thì anh ta lại thoát khỏi dạng đó. Dạng Tặng cách là một thức trang trí nực cười không hơn không kém – thà bỏ nó đi còn hơn.

Tiếp theo, tui sẽ di chuyển Động từ chính lên trên đầu câu. Bạn có thể có một Động từ hay, nhưng tui nhận thấy bạn sẽ không bao giờ thực sự đạt được chủ đích với độ dài hiện tại của tiếng Đức – bạn chỉ làm nó què cụt thêm thôi. Vậy nên tui đề nghị là phần quan trọng của lời văn này phải được đưa lên tới vị trí mà nó có thể dễ dàng được nhìn thấy.

Thứ ba, tui muốn nhập thêm những từ mạnh mẽ từ ngôn ngữ Anh – để chửi bậy, và cũng để dùng miêu tả tất cả những thứ hùng hồn bằng một cách hùng hồn. [4]

[4] “Verdammt,” và những biến thể hay mở rộng của nó, là những từ có nhiều nghĩa, nhưng thanh âm của nó quá nhẹ và ít hiệu quả đến nỗi các bà các cô người Đức dùng nó mà không thấy ngượng mồm. Các quý cô Đức vốn không thể bị thuyết phục phạm tội bằng bất kì cách nói khéo hay bắt ép nào, lại nhanh nhảu xé toạc những từ bé xíu vô tội này khi váy họ rách hoặc khi họ không ưa món súp. Nghe xấu xa như thể cụm, “Ôi chao ôi” của chúng ta vậy. Các quý cô Đức liên tục nói, “Ach! Gott!” “Mein Gott!” “Gott in Himmel!” “Herr Gott” “Der Herr Jesus!” vân vân. Chắc họ nghĩ những quý cô của ta cũng có thói quen như vậy; có lần tui nghe một mệnh phụ người Đức lớn tuổi rất dịu dàng và đáng yêu này nói với một cô gái trẻ xinh xắn người Mỹ: “Tiếng của hai nước mình giống nhau quá – nghe mới êm tai làm sao; nước cô nói ‘Ach! Gott! (Trời ơi!)” còn các con kêu ‘Goddamn. (Trời đụ)’”

Thứ tư, tui sẽ tổ chức lại đám giới tính, và phân chia nó dựa theo ý của người viết. Đây là để tỏ lòng tôn kính thôi chứ không phải tại gì.

Thứ năm, tui sẽ bỏ quách ba cái thứ từ ghép dài thòong lòong đi; hoặc bắt người nói phải chia nó ra thành từng phần, phải có điểm dừng cho còn kịp thở. Bỏ hết đi là tốt nhất, vì ý tứ sẽ dễ tiếp thu và tiêu hóa hơn khi nó đi một mình chứ không phải một lố. Thức ăn tri thức cũng như mọi loại đồ ăn khác; nó sẽ dễ chịu và có ích hơn nếu mình ăn bằng thìa chứ không phải bằng xẻng.

Thứ sáu, tui sẽ yêu cầu người nói phải ngưng khi anh ta hết ý, và không được móc theo một tràng “haben sind gewesen gehabt haben geworden seins” vào đuôi câu nói của anh ta. Những thứ lòe loẹt này làm giảm giá trị của bài viết chứ không khiến nó cao sang thêm. Vậy nên chúng là một sự xúc phạm và cần được bỏ đi.

Thứ bảy, tui sẽ quẳng hết cái đám ngoặc đơn đi. Và cả những ngoặc đơn cha, ngoặc đơn con, và ngoặc đơn cháu chắt chút chít, cũng như ngoặc đơn cỡ cụ trùm cuối của câu. Tui sẽ bắt mỗi người, dù sang hay hèn, phải kể chuyện theo kiểu thắng đuột bình thường, còn không thì cuốn nó lại ngồi lên nó và ngậm cái mồm. Nếu phạm luật này phải bị xử tử tình.

Và thứ tám, và cuối cùng, tui sẽ giữ lại Zug và Schlag, với những nghĩa kèm theo của nó, rồi bỏ hết phần còn lại của từ điển. Điều này sẽ khiến ngôn ngữ đơn giản đi.

Tui đã đưa ra hết những thay đổi tui nghĩ là cần thiết và quan trọng nhất. Có lẽ tui nói vậy thôi chứ cũng chả để làm gì; nhưng còn có những đề nghị khác tui có thể và sẽ đưa ra trong trường hợp đơn kiến nghị của tui dẫn tới việc tui được chính phủ chính thức thuê về để sửa lại thứ tiếng này.

Bài nghiên cứu văn học của tui đã làm hài lòng tui ở điểm một người có tài thiên bẩm sẽ học được tiếng Anh (trừ đánh vần và phát âm) trong 30 giờ, tiếng Pháp trong 30 ngày và tiếng Đức trong 30 năm. Vậy nên rõ ràng là ngôn ngữ ở cuối phải được cắt tỉa và sửa chữa lại. Nếu nó vẫn tiếp tục như thế này, nó nên được đặt xuống một cách tôn kính và nhẹ nhàng nằm cạnh những ngôn ngữ chết, bởi chỉ có người chết mới có đủ thì giờ để học nó.

Một bản tuyên ngôn ngày 4/7 bằng tiếng Đức, được tác giả cuốn sách này trình bày trong một bữa tiệc của câu lạc bộ sinh viên Anh-Mỹ.

Kính thưa các chú, kể từ khi anh tới đây, một tháng trước, tới miền màu nhiệm cổ kính này, tới khu vườn Đức rộng lớn này, vốn tiếng Anh của anh đã được chứng tỏ là một đống rác vô dụng đối với anh, và cực kì rắc rối để đem theo, trong một đất nước mà người ta còn chẳng kiểm tra hệ thống hành lí, thế nên cuối cùng anh cũng phải xắn tay vào việc, và học tiếng Đức. Also! Es freut mich dass dies so ist, denn es muss, in ein hauptsächlich degree, höflich sein, dass man auf ein dịp như thế này, sein Rede in die Sprache des Landes worin he boards, aussprechen soll. Dafür habe ich, aus reinische Verlegenheit — không, Vergangenheit – không, ý anh là Höflichkeit — aus reinische Höflichkeit habe ich đã quyết tâm phải giải quyết được vấn đề này trong tiếng Đức, um Gottes willen! Also! Sie müssen so freundlich sein, und verzeih mich die xen thêm von ein oder zwei Englischer Worte, hie und da, denn ich finde dass die deutsche không phải là một thứ tiếng dồi dào cho lắm, nếu nếu thực sự chú có gì muốn nói, chú phải xài một thứ ngôn ngữ chịu chơi hơn.

Wenn haber man kann nicht meinem Rede Verstehen, so werde ich ihm später dasselbe übersetz, wenn er solche Dienst verlangen wollen haben werden sollen sein hätte. (Anh không biết “wollen haben werden sollen sein hätte” có nghĩa là gì, nhưng anh nhận thấy người ta luôn để nó ở cuối câu tiếng Đức – chỉ để cho nó đẹp rạng ngời mà không chói lóa, anh đoán thế.)

Bữa nay quả là một ngày toẹt vời và vinh dự – một ngày xứng đáng với sự tôn kính của những người yêu nước thứ thiệt khắp mọi miền xứ sở quốc gia – một ngày đem đến một chủ đề màu mỡ cho ý nghĩ và lời nói; und meinem Freunde — không, meinen Freunden — meines Freundes – thôi, tụi bay tự chọn đi vậy, chúng nó xêm xêm nhau, anh cũng đếch biết cái nào mới đúng — also! ich habe gehabt haben worden gewesen sein, như lời Goethe nói trong  Thiên đường đã mất — ich — ich – phải nói là — ich – nhưng hãy để ta đổi xe.

Also! Die Anblich so viele Grossbrittanischer und Amerikanischer hier zusammengetroffen in Bruderliche concord, ist zwar một cảnh tượng nồng hậu và gây nhiều cảm hứng. Và điều gì đã dẫn lối chú đến đây? Liệu tiếng Đức súc tích có thể miêu tả được nỗi niềm này? Có phải là Freundschaftsbezeigungenstadtverordnetenversammlungenfamilieneigenthümlichkeiten? Nein, o nein! Đây là một từ dứt khoát và cao quý, nhưng nó không thể đâm thẳng và cốt tủy của niềm thôi thúc đã đưa tới buổi gặp mặt thân ái và tạo ra diese Anblick — eine Anblich welche ist gut zu sehen — gut für die Augen trong một vùng đất ngoại lai và một quốc gia xa vời– eine Anblick solche als in die gewöhnliche Heidelberger phrase nennt man ein “schönes Aussicht!” Ja, freilich natürlich wahrscheinlich ebensowohl! Also! Die Aussicht auf dem Königsstuhl mehr grösser ist, aber geistlische sprechend nicht so schön, lob’ Gott! Bởi vì sie sind hier zusammengetroffen, in Bruderlichem concord, ein grossen Tag zu feirn, thứ lợi ích mà không chỉ cho một vùng đất và một xứ sở, mà trao đến một thước đo lòng tốt tới tất cả những vùng đất nay đã biết tự do, và yêu mến nó. Hundert Jahre vorüber, waren die Engländer und die Amerikaner Feinde; aber heute sind sie herzlichen Freunde, Gott sei Dank! Xin để tình hảo hữu bền lâu; hãy để ngọn cờ hồng hòa cùng tình đồng chí bạn bè mãi còn; xin sẽ không còn làn sóng chống đối những gia chủ phản đối, hoặc nhuốm máu của kẻ đã là họ hàng, đang là họ hàng, và sẽ luôn là họ hàng, tới khi một nét bút vẽ trên bản đồ có thể lên tiếng: “Thứ này đã ngăn dòng máu cha ông chảy vào huyết quản của đời cháu con!”

[Hết]

3 bình luận về “THỨ TIẾNG ĐỨC TỆ LẬU ẤY

Bình luận về bài viết này